Mỗi độ năm hết Tết đến, mọi người lại được quây quần bên gia đình và bạn bè trò chuyện và cùng thưởng thức những món ăn ngon ngày Tết. Tuy nhiên, ngày Tết với vô số món ăn béo ngậy sẽ làm cho bạn nhanh chán. Chính vì thế, ăn lẩu trong ngày Tết là sự lựa chọn đúng đắn. Mọi người cùng nhau quây quần bên nồi lẩu trong cái se se lạnh của mùa xuân thì thật là tuyệt vời. Để giúp các bạn có những cuộc sum họp thật vui vẻ, Lẩu Sĩ Phú xin giới thiệu một số món lẩu ngon cho ngày Tết.
Lẩu mẻ
Món lẩu mẻ là một trong những món ăn ngon giúp cho ngày Tết của bạn bớt đi những sự ngao ngán của các món ăn Tết bởi vị chua chua, thơm thơm, thanh mát, dịu nhẹ của nước dùng.
Gia vị chủ đạo được sử dụng trong món lẩu này chính là mẻ. Nó sẽ cho một vị chua dịu giúp bạn có được vị giác như những ngày thường. Nguyên liệu được sử dụng trong món lẩu này tùy thuộc vào nơi bạn sinh sống có những nguyên liệu gì như: gà, trâu, bò, cá, ốc, tôm, …
Tuy nhiên, thường thì ngày Tết ở miền Bắc, người ta sẽ sử dụng thịt bò, thịt trâu hay cá (người dân miền Bắc kiêng ăn tôm vào đầu năm). Nếu muốn có món lẩu mẻ thêm đầy đủ hương vị, bạn phải ăn với các loại rau mầm, nấm. Với cách làm khá đơn giản, món lẩu mẻ hứa hẹn sẽ là món ăn ngon giúp bạn gắn kết các mối quan hệ xung quanh thêm gần gũi. Sau đây, là cách chế biến của món lẩu bò nhúng mẻ để các bạn đọc tham khảo:
Nguyên liệu nấu lẩu bò nhúng mẻ:
- 600g bắp bò
- 1 chén mẻ
- 2 trái cà chua
- ½ trái thơm
- 3 trái chuối xanh
- 3 trái dưa leo
- 3 trái khế xanh
- Xà lách
- Hành tây, hành tím, tỏi, sả cây, ớt
- Bún tươi
- Bánh tráng
- Nước mắm, muối, đường, bột ngọt, dầu ăn, hạt nêm
Cách nấu lẩu bò nhúng mẻ:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Bạn có thể chọn những phần thịt khác tuy nhiên để món lẩu thêm ngon bạn nên chọn bắp bò tươi ngon, không bị tái, không có mùi lạ. Bắp bò khi mua về bạn, bạn đem rửa sạch với nước muỗi loãng rồi để ráo. Tiếp theo, bạn thái bắp bò thành những khoanh tròn mỏng, rồi xếp ra đĩa riêng.
- Bạn cho 2 – 3 muỗng mẻ vào tô, cho thêm nước lọc rồi dùng muỗng khuấy đều. Sau đó, bạn dùng rây lọc mẻ và bỏ phần xác.
- Hành tây lột vỏ, rửa sạch, thái sợi mỏng, để riêng.
- Tỏi và hành tím bạn đem bóc vỏ, đập dập và băm nhỏ để riêng từng loại.
- Sả bạn đem rửa sạch, băm nhỏ.
- Ớt rửa sạch, băm nhỏ.
- Cà chua rửa sạch, cắt múi cau.
- Thơm bạn gọt sạch vỏ, bỏ mắt và băm nhỏ.
- Dưa leo gọt vỏ, rửa sạch, chẻ làm đôi theo chiều dọc rồi chẻ thành những thanh dài và mỏng để cuốn bánh tráng.
- Chuối xanh bạn đem gọt sơ lớp vỏ, cắt khoanh mỏng tròn hơi xéo rồi đem ngâm trong nước muỗi pha loãng để chuối không bị thâm đen.
- Khế bạn bỏ 2 đầu, gọt bỏ các đường gân của khế rồi rửa sạch. Sau đó, cắt khế thành những miếng mỏng vừa ăn.
- Xà lách bạn đem nhặt sạch, rửa sạch rồi ngâm với nước muối pha loãng. Tiếp theo, bạn xả lại với nước, để ráo.
- Bước 2: Ướp bò
- Khi thịt bò được cắt mỏng, bạn ướp chúng với ít tiêu xay, ½ muỗng cà phê hạt nêm, ½ muỗng cà phê bột ngọt rồi trộn đều lên.
- Bước 3: Nấu lẩu
- Bạn cho nồi lẩu lên bếp, cho dầu ăn vào, khi dầu nóng bạn cho hành tím, tỏi và sả băm nhỏ vào phi thơm. Khi nguyên liệu dậy mùi, bạn cho cà chua vào xào chung. Xào đến khi cà chua săn lại thì bạn cho nước mẻ và nước lọc vào nấu sôi.
- Bước 4: Nêm nếm
- Khi nước sôi lên, bạn nêm nếm nước lẩu cùng với 2 muỗng hạt nêm, 2 muỗng đường, 1 muỗng bột ngọt cho có vị chua chua, ngọt nhẹ vừa ăn. Tiếp theo, bạn cho hành tây vào rồi tắt bếp.
- Bước 5: Làm mắm nêm
- Bạn cho chảo lên bếp, cho dầu ăn cùng tỏi, hành tím băm vào phi thơm. Khi dậy mùi bạn cho thơm băm nhỏ vào xào vừa chín tới. Tiếp đến, bạn cho nước lọc vào cùng với 3 muỗng mắm nêm và ít ớt băm vào. Khuấy đều tay đến khi mắm nêm sôi lên, thì bạn nêm thêm 2 muỗng đường, chút bột ngọt cho vừa ăn. Khuấy tan gia vị thì tắt bếp.
Lẩu gà lá giang
Cây lá giang là loại cây thân leo, mọc hoang dã trong rừng, lá có vị chua nhẹ, là nguyên liệu vẫn còn chưa được phổ biến hiện nay. Món lẩu gà lá giang này được ăn kèm với các loại rau và bún hấp dẫn người ăn với hương vị mới lạ. Nước lẩu sẽ cho ta một vị đặc trưng khó tả. Một nồi lẩu là sự hòa quyện, kết hợp của những nguyên liệu như: gà với vị béo và ngọt, lá gang vị chua thanh, kết hợp với ớt và sả sẽ là món ăn bổ dưỡng, một sự lựa chọn đúng đắn cho bạn.
Nguyên liệu nấu lẩu gà lá giang:
- Gà mái tơ: 1 con khoảng 1,5 kg
- Lá giang: 300 gr
- Sả: 2 củ
- Ớt sừng: 1 quả
- Mùi tàu (ngò gai): 5 lá
- Gia vị: Muối, tiêu, đường, nước mắm ngon, bột ngọt
- Hành phi + Mỡ tỏi + Bún
- Rau ăn lẩu: rau muống chẻ, rau rút, kèo nào, giá đỗ, chuối bào
Cách nấu lẩu gà lá giang:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Thịt gà: chà muối xung quanh con gà để khử mùi tanh. Sau đó, rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Ướp muối, tiêu, bột ngọt trong 15 phút (ướp theo tỉ lệ: 1/2 thìa cà phê hạt tiêu + 1 thìa cà phê nước mắm + 1 thìa cà phê muối).
- Lá giang: bỏ hết dây và các lá sâu, rửa sạch rồi để ráo, vò nhẹ lá để tăng vị chua.
- Rau ngò gai: nhặt kỹ, rửa sạch rồi thái nhỏ.
- Tỏi: bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ.
- Ớt sừng: rửa sạch rồi thái nhỏ.
- Các loại rau khác: rửa sạch và cắt thành đoạn vừa ăn.
- Bước 2: Hướng dẫn nấu lẩu gà lá giang
- Bắc nồi lên bếp và tráng với một chút dầu rồi cho sả vào phi, đến khi sả vàng thì cho tiếp tỏi vào.
- Khi bạn thấy sả và tỏi vàng thơm thì bỏ thịt gà vào xào. Khi thịt gà săn lại thì cho vào khoảng 2 lít nước.
- Đến nồi nước sôi thì vớt bọt vặn lửa nhỏ lại để liu riu rồi nêm gia vị cho vừa ăn.
- Khi thịt gà mềm thì bỏ lá giang vào, cho thêm chút ớt, tỏi phi và sa tế.
- Bước 3: Trình bày
- Dọn lẩu gà lá giang ra ăn kèm với bún, rau và dùng kèm nước mắm có thêm vài lát ớt.
Lẩu hải sản
Lẩu hải sản được chế biến cũng tương đối đơn giản, chủ yếu dựa vào nước dùng. Ngày Tết, với bao món ăn khiến bạn không muốn ăn nữa thì lẩu hải sản sẽ là một sự lựa chọn tốt cho bạn để có thể cùng bạn bè và người thân quây quần. Nguyên liệu chủ yếu là các loại hải sản (như: tôm, cua, mực, ngao) giúp giảm đị độ ngậy của đồ ăn, cùng với các loại rau và nồi nước dùng cay cay của sa tế, các gia vị nêm nếm sẽ cho bạn một nồi lẩu ngon, đảm bảo vệ sinh.
Nguyên liệu để làm lẩu hải sản:
- Xương ống: 1kg: rửa sạch, chặt khúc, chần qua nước sôi
- Đầu cá hồi: 3 – 4 đầu cá hồi rửa sơ qua với muối, chú ý phần mang cá, chẻ đôi.
- Tôm tươi: 400g rửa sạch, cắt bớt râu và đuôi.
- Mực: 300g rửa sạch thái miếng vừa ăn.
- Ngao: 500g
- Cá viên hoặc tôm viên: 300g
- Sả 1 bó: gốc đập dập thái nhỏ ướp cá, phần ngọn bên trên đập dập để riêng.
- Nấm hương ngâm vào nước ấm, sau khi nấm nở thì cắt nhỏ
- Nấm bào ngư ngâm với nước muối loãng, rửa sạch, để ráo.
- Các loại rau (rau muống, mồng tơi, rau cải ..) nhặt bỏ ngọn lúa, lá sâu rồi rửa sạch, ngâm nước muối rồi để ra rổ cho ráo.
- Cà chua: 2 quả thái múi, ¼ bịch me chua (khoảng 5 – 7 hạt)
- Đậu phụ: 3 miếng cắt miếng bỏ ra đĩa
- Gói gia vị lẩu thái hải sản (nếu muốn)
- Chanh, lá chanh, ớt; tỏi, gừng (đập dập băm nhỏ).
- Gia vị: đường, muối, hạt nêm, tiêu, nước mắm..
- Ngoài các gia vị thông dụng như: đường, muối, hạt nêm, tiêu, nước mắm thì bạn có thể chuẩn bị thêm sản phẩm gia vị nấu lẩu hải sản Aji-Quick hoặc gia vị nấu lẩu hải sản SG Food, Cholimex… Những sản phẩm này sẽ làm cho món lẩu của bạn đậm đà và tròn vị hơn.
Cách lẩu hải sản:
- Bước 1:Đem xương đi ninh khoảng 2 tiếng với bếp gas hoặc 45 phút với nồi áp suất, khoảng 2 lít nước. Trong lúc sôi nhớ gạt bọt.
- Bước 2: Đầu cá hồi cho vào rán với chảo dầu. Chín vàng vớt ra.
- Bước 3: Phi thơm hành tỏi, bỏ cà chua vào xào đến dập, thêm 1 ít sả bằm. Bỏ đầu cá vừa chiên vào sau đó đổ nước dùng vào đun sôi. Bỏ nấm hương cùng vài hạt me chua vào. Có thể bỏ trực tiếp đậu phụ vào. Nêm gia vị vừa ăn.
- Bước 4: Làm nước chấm: Băm nhỏ tỏi ớt, vắt chanh vào bát nước chấm sau đó bỏ ớt tỏi vào đánh nhanh và đều, như vậy phần tỏi ớt sẽ không bị lắng xuống mà sẽ nổi lên. Bỏ thêm bột ngọt hoặc đường tùy khẩu vị.
- Bước 5: Xếp rau nấm, tôm mực ra từng đĩa.
Món Lẩu gà
Lẩu gà là một trong những món lẩu ngon và rất quen thuộc, gần gũi với mọi gia đình. Trong ngày Tết, món lẩu này cũng được mọi người khá ưa chuộng vì cách làm đơn giản, nguyên liệu sẵn có mà lại ngon. Món lẩu gà cần những nguyên liệu chính như: thịt gà (chọn thịt gà nhà là ngon nhất, nó sẽ không bị bở khi nhúng), có thể dùng thêm xúc xích, váng đậu, cà chua, các gia vị. Nồi nước dùng cũng được chế biến khá đơn giản nhưng không phải ai cũng biết nêm nếm cho vừa vặn. Món lẩu gà thường ăn kết hợp với váng đậu, đậu, các loại rau, nấm và các loại củ.
Nguyên liệu lẩu gà:
- Gà ta: 1 con khoảng từ 1,5 – 2 kg
- Xương ống: 500 gr
- Củ cải trắng: ½ kg
- Nấm linh chi: 200 gr
- Nấm đông cô tươi: 200 gr
- Nấm rơm: 200 gr
- Nấm bào ngư: 200 gr
- Nấm đùi gà: 200 gr
- Rau xà lách xoong: 200 gr
- Mì trứng: 300 gr
- Hành tím, tỏi băm, ớt
- Gia vị: dầu ăn, đường, hạt nêm, bột ngọt, nước mắm, muối
Cách nấu lẩu gà:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu và ướp thịt gà nấu lẩu
- Gà sau khi mua về thì rửa sạch, dùng muối chà xát trong và ngoài con gà để khử mùi hôi của thịt, sau đó rửa lại bằng nước sạch, để ráo. Ngoài muối thì bạn còn có thể dùng gừng để chà thịt gà. Còn với xương ống thì bạn rửa sạch rồi chần sơ qua với nước sôi.
- Chia gà thành 4 phần rồi dùng tiếp dao nhỏ, mũi nhọn, kéo cắt bỏ những phần xương và để riêng ra 1 góc.
- Bạn cắt phần da và chặt thịt gà thành các miếng vừa ăn. Sau đó, ướp thịt gà với ½ muỗng bột ngọt + ½ muỗng hạt nêm + 1 muỗng tỏi băm và ½ muỗng tiêu xay khoảng 20 – 30 phút cho thịt gà thấm gia vị.
- Bước 2: Cách nấu nước dùng lẩu gà
- Bắc nồi lên bếp và cho vào khoảng 2 lít nước, cho tiếp phần xương ống và xương gà mà bạn rút ra ban nãy và ninh trong khoảng 3 tiếng. Sau đó, bạn cho vào 1 muỗng muối và 1 muỗng canh giấm gạo rồi để lửa liu riu. Lưu ý: không đậy nắp trong suốt quá trình ninh và liên tục vớt bọt để cho nước dùng trong.
- Củ cải trắng gọt vỏ ngoài, rửa sạch và cắt thành những miếng vừa ăn rồi cho vào nồi nước dùng.
- Đem xà lách xoong và các loại nấm rửa sạch, loại bỏ các phần hư, đem ngâm trong nước muối khoảng 15 – 20 phút. Sau đó, rửa sạch lại lần nữa, để ráo nước rồi cắt thành những miếng vừa ăn.
- Luộc mì trứng trong nước sôi. Khi mì chính thì vớt ra và trụng qua nước lạnh, xới tơi mì lên rồi để ráo.
- Khi nước dùng gà vừa nôi thì bạn nêm nếm lại cho vừa ăn rồi cho nấm rơm vào trước, tiếp theo là thịt gà, các loại nấm còn lại và xà lách xoong vào sau (bạn có thể cho ½ các nguyên liệu, phần còn lại khi dùng tiếp thì cho vào sau).
- Bước 3: Trình bày
- Sau đó, múc tất cả nguyên liệu ra nồi lẩu chuyên dùng và rắc chút tiêu bột lên trên. Bạn có thể dùng kèm lẩu với mì trứng là ngon nhất. Dọn kèm với chén nước mắm và vài lát ớt.
- Ngoài ra những nguyên liệu trên thì bạn có thể cho thêm kỷ tử, bắp ngọt, táo đỏ vào ninh cùng củ cải trắng thì nước dùng sẽ càng ngon và nhiều chất dinh dưỡng hơn cũng như kết hợp thêm các loại nguyên liệu khác như thịt bò, các loại nấm, rau theo sở thích của bạn.
Lẩu mắm
Lẩu mắm là món lẩu đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ. Ngày Tết, món này rất được ưa chuộng vì hương vị quê hương vẫn còn giữ được ở trong từng nồi lẩu. Cũng như các món lẩu khác, công việc chuẩn bị và chế biến cũng khá đơn giản. Để nấu được một nồi lẩu thơm ngon, đậm đà thì các bạn cần có những nguyên liệu chính như: cá hú, tôm sú, thịt quay, chả cá, ngao, mực, mắm cá linh, … các loại rau và một số nguyên hương vị khác. Chỉ với một số nguyên liệu có thể tìm kiếm được, bạn đã tạo cho mình được món lẩu đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ.
Nguyên liệu nấu Lẩu mắm:
- Xương heo 500g
- Mắm cá linh 200g
- Mắm cá sặc 100g
- Tôm tươi 200g
- Mực ống 200g
- Cá lóc 500g
- Cá basa 200g
- Thịt bò 100g
- Lươn 100g
- 1 trái cà tím
- 2 cây sả
- Sả băm 20g
- Hạt nêm
- Đường phèn
- Dầu ăn
- Các loại rau ăn kèm: rau nhút, rau đắng, rau muống, cọng súng, khổ qua.
- Bún tươi 1kg
Cách nấu lẩu mắm:
- Bước 1: Hầm nước dùng
- Xương heo mua về bạn chặt miếng vừa ăn, chần qua nước sôi 1 lần để lọc bớt các chất bẩn và bọt bám trên xương. Rửa sạch lại lần nữa rồi cho vào nồi hầm ngập nước khoảng 30 phút – 1 tiếng để lấy nước dùng.
- Bước 2: Nấu mắm cá
- Cho mắm cá linh và cá sặc cùng 500ml nước vào nồi, vặn lửa vừa. Nấu trong khoảng 10 phút để cá tan ra thì tắt bếp. Lọc toàn bộ cá và nước qua một cái rây, lấy toàn bộ phần nước, loại bỏ phần xác. Đối với món lẩu mắm này thì phần nguyên liệu quyết định 50% thành công cho món ăn chính là mắm cá linh và cá sặc. Vì vậy, bạn nên chọn mua mắm cá linh, cá sặc ngon ở những địa chỉ bán uy tín và chất lượng.
- Bước 3: Sơ chế cà tím
- Cà tím bạn rửa sạch, cắt khoanh tròn hoặc miếng dài vừa ăn, ngâm vào nước muối pha loãng khoảng 10 phút để cà không bị thâm, vớt ra để ráo nước. Sau đó, bạn cho dầu ăn vào chảo, phi thơm sả băm, khi sả tỏa mùi thơm, bạn thả cà tím vào đảo đều khoảng 3 phút rồi tắt bếp.
- Bước 4: Hoàn thành nấu nước dùn
- Sau khi xương hầm đủ mềm, bạn cho hỗn hợp nước mắm cá, sả cây đập dập, cà tím, hạt nêm, đường phèn vào nồi nước dùng, nấu thêm 10 phút, nêm lại cho vừa miệng rồi tắt bếp.
- Bước 5: Sơ chế các nguyên liệu còn lại
- Cá lóc đánh vẩy, rửa sạch, cắt khúc vừa ăn. Tôm rủa sạch, cắt râu, lột vỏ.
- Cá basa bạn xát muối cho sạch nhớt, rửa lại thật sạch với nước. Thịt bò rửa sạch, để ráo. Lươn làm sạch, cắt khúc vừa ăn.
- Mực ống rửa sạch, rút xương ống màu trắng ra khỏi thân mực, dùng kéo cắt bỏ phần vòi mực. Sau khi đã làm sạch, cắt mực thành từng khoanh tròn rồi xếp vào đĩa cùng các nguyên liệu còn lại gồm cá basa, tôm, thịt bò, lươn.
- Các loại rau bạn nên ngâm qua nước muối pha loãng khoảng 3 phút để loại bỏ được các chất độc hại bám trong rau, sau đó rửa sạch và để ráo.
Lẩu kim chi hải sản
Lẩu hải sản thì đã quá quen thuộc rồi đúng không? Thêm một chút kim chi vừa chua chua, cay cay ăn cùng với hải sản như mực, tôm thì hết sảy. Chỉ cần thêm 1 nguyên liệu thôi thì đã thay đổi cả một hương vị của nồi lẩu rồi. Hơn hết những ngày đầu Tết se lạnh, cả nhà quây quần cũng nhau bên nồi lẩu nóng hổi, vừa ăn vừa hít hà thì ấm cúng biết bao.
Nguyên liệu chủ yếu củalẩu kim chi hải sản bao gồm kim chi, tôm, mực, cá, chả cá…Khi dùng có thể nhúng thêm các loại rau xanh, nấm kim châm tùy thích nhé! Ăn cùng bún hay mì đều hợp. Lẩu kim chi hải sản với vị chua chua, cay cay đặc trưng của kim chi.
Nguyên liệu nấu Lẩu kim chi hải sản:
- Kimchi 300g
- Thịt ba chỉ 300g
- Tôm 200g
- Nghêu 200g
- 2 bìa đậu hũ trắng
- Nấm hương 100g
- 1 bịch nấm kim châm
- 3 cây xúc xích
- Dầu ăn
- Tỏi, ớt bột Hàn Quốc, muối, nước mắm, đường, hạt nêm
Cách nấu Lẩu kim chi hải sản:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Thịt ba chỉ bạn đem rửa sạch, cắt miếng vừa ăn.
- Đậu hũ mua về bạn cắt miếng nhỏ vừa ăn, rồi chiên ngập dầu. Đến khi đậu hũ chín vàng, thì bạn vớt đậu ra đĩa có lót giấy thấm dầu.
- Tôm bóc vỏ, rút chỉ đen trên lưng và để ráo.
- Nghêu bạn đem ngâm với nước cho vài lát ớt. Rồi chà rửa sạch và để ráo.
- Nấm hương bạn đem cắt chân rồi ngâm trong nước cho mềm, sau đó rửa sạch, cắt đôi.
- Nấm kim châm bạn cắt gốc, xé nhỏ và rửa sạch.
- Bước 2: Xào kim chi
- Cho dầu ăn và tỏi vào chảo phi thơ, sau đó cho kim chi vào xào cùng. Bạn nên cho vào một chút kim chi để có vị chua cay giúp món lẩu ngon hơn. Nêm nếm gia vị cùng ớt bột vào chảo cho phù hợp khẩu vị.
- Bước 3: Nấu nước dùng lẩu kim chi hải sản
- Sau khi xào xong, bạn cho nước vào và nấu sôi. Tiếp đến, vặn nhỏ lửa rồi nêm nếm với 1 muỗng hạt nêm, 1 muỗng đường, ½ muỗng nước mắm. Rồi bạn cho thịt ba chỉ, tôm, nghêu, đậu hũ, nấm hương vào nấu cho nước sôi lên thì tắt bếp.
Lẩu ếch nấu măng
Mùa Tết mà thiếu măng thì không được rồi, thay vì cứ kết hợp măng với vịt, với gà thì bạn hãy thử kết hợp với ếch làm thành nồi lẩu nghi ngút khói thơm lừng xem nào? Thịt ếch được sơ chế trước khi cho vào nồi lẩu, thịt ếch xào săn đậm đà, lại thêm từng miếng măng vàng giòn hấp dẫn. Hơn hết, để nấu được nồi lẩu ếch nấu măng này cũng không tốn quá nhiều, bạn phải lựa chọn ếch đồng thì nấu món lẩu này mới ngon nhé!
Nguyên liệu nấu lẩu ếch măng chua:
- 1,5kg thịt ếch
- 500gr xương ống
- 400gr măng củ
- Đậu phụ, váng đậu
- Rau muống, mùi tàu, lá chanh, lá lốt.
- Sả, tỏi, hành khô, nấm hương, hạt tiêu, ớt bột, sa tế, me.
- Bánh đa đỏ
Cách nấu lẩu ếch măng chua cay:
- Bước 1: Sơ chế thịt ếch và nguyên liệu
- Nên chọn ếch đồng, tuy con không to béo bằng ếch nuôi nhưng thịt thơm và săn chắc hơn. Khi mua ếch, nhờ người bán sơ chế hộ thành ếch thịt, về nhà bóp muối rồi rửa sạch lại với nước, để ráo. Sau đó chặt ếch thành miếng vừa ăn.
- Măng củ thái thành hình con chì, rửa sạch rồi đem luộc chín, sau đó rửa lại thêm 1 lần nữa.
- Rau muống nhặt, rửa sạch. Mùi tàu rửa thái khúc 3cm. Nấm hương ngâm nở, rửa sạch. Lá lốt, mùi tàu rửa sạch, cắt khúc.
- Tỏi bóc vỏ băm miếng to, đem phi thơm rồi vớt ra. Váng đậu cắt miếng vừa ăn, chiên phồng.
- Bước 2: Hầm nước dùng
- Xương ống đem rửa sạch, bỏ vào nồi nước, thêm chút muối rồi đun sôi, sau đó vớt xương ra, bỏ sạch nước. Tiếp tục lấy thêm nước mới một lượng vừa đủ để ăn lẩu và ninh xương cùng với sả đập dập.
- Khi nước sôi, vớt hết bọt, nêm nếm gia vị vừa ăn.
- Bước 3: Chiên ếch
- Cho thịt ếch và da ếch vào chiên đến khi ếch vàng ruộm thì tắt bếp, vớt ra đĩa có lót giấy thấm dầu.
- Bước 4: Nấu lẩu ếch măng chua
- Đun nóng dầu ăn trong chảo, cho măng đã luộc và xào, thêm vào 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê sa tế cho đậm đà và ngấm gia vị. Khi măng đã ngấm gia vị, trút ếch đã chiên vàng, tỏi đã phi thơm vào đảo tiếp. Trước khi bắc ra cho 1 ít lá lốt và mùi tàu vào đảo nhanh tay.
- Cho nấm hương vào nồi nước dùng đun sôi, sau đó cho hỗn hợp ếch đã xào cùng măng, lá lốt, mùi tàu vào. Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn là hoàn thành.
Lẩu bao tử hầm tiêu xanh
Món lẩu bao tử hầm tiêu xanh bảo đảm sẽ hút hồn không chỉ bạn mà còn ngay cả gia đình bạn cũng phải mê mẩn lạ thường, nước dùng cay cay, thơm nức nồng mùi tiêu xanh, dạ dày mềm mầm những vẫn còn giữ được độ giòn sực khi nhai, tạo cảm giác ngon miệng. Đây không những là món lẩu ngon trong ngày Tết mà còn rất tốt cho bà bầu và những người đang mệt mỏi. Với bao tử heo, nấm. xà lách, và một chút công nấu nướng, bạn đã có một bữa lẩu lạ miệng mời khách rồi.
Nguyên liệu nấu lẩu bao tử hầm tiêu xanh:
- 1 cái bao tử
- 500g xương heo
- 30g tiêu xanh
- Đậu hũ
- Củ sen, cà rốt, củ cải trắng
- Cải xanh, rau muống, rau mồng tơi
- Nước mắm, muối, giấm, hạt nêm, đường, rượu trắng
- Gừng, ngò rí, tỏi
Cách nấu lẩu bao tử hầm tiêu xanh:
- Bước 1: Cách làm sạch bao tử
- Bao tử khi mua về, bạn đem rửa sạch với nước, rồi lộn ngược mặt trong của bao tử ra. Dùng kéo cắt bỏ những phần mỡ thừa bám trên thành bao tử. Tiếp đến, bạn dùng muối hạt và chanh chà xát vào bao tử, bóp mạnh tay để bao tử khử đi mùi tanh và sạch trắng, bắt mắt. Sau đó, bạn đem rửa bao tử duới vòi nước sạch. Tiếp đến, bạn dùng phèn chua chà xát tiếp vào bào tử. Làm như thế, bao tử sẽ sạch nhớ, khử mùi tanh và khi nấu sẽ có độ giòn, ngon hơn. Sau khi chà xong, bạn đem rửa lại với nước sạch và để ráo nước.
- Hoặc bạn có thể dùng rượu trắng rửa sạch bên trong lẫn ngoài của bao từ. Rồi ngâm bao tử trong hỗn hợp giấm và gừng giã nhuyễn trong 15 phút để khử mùi hôi và giúp bao tử giòn, trắng.
- Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu còn lại
- Xương heo bạn đem rửa sạch, chặt thành từng khúc vừa ăn rồi cho vào nồi chần sơ, vớt ra và rửa sạch.
- Tiêu xanh bạn đem rửa sạch, để ráo.
- Tỏi bạn đem bóc vỏ băm nhuyễn.
- Gừng bạn đem gọt sạch vỏ và giã nhuyễn.
- Củ sen, cà rốt, củ cải trắng bạn đem gọt sạch lớp vỏ ngoài, cắt thành từng khúc rồi rửa sạch.
- Rau muống, rau mồng tơi, và cải xanh bạn nhặt sạch, ngâm với nước muối pha loãng. Tiếp theo, rửa sạch để ráo nước.
- Bước 3: Ướp bao tử
- Bao tử khi làm sạch bạn đem cắt thành từng miếng vừa ăn rồi cho vào tô ướp cùng với các gia vị gồm: Gừng tỏi băm, 1 muỗng nước mắm, 2 muỗng hạt nêm, ít bột ngọt, 2 muỗng đường. Trộn đều và ướp trong 20 phút để bao tử ngấm gia vị.
- Bước 4: Nấu nước dùng
- Bạn cho nồi lên bếp, cho dầu ăn và tỏi băm vào phi thơm. Sau đó cho phần xương heo vào xào sơ cùng với ít muối. Khi xương săn lại bạn cho nước lọc vào để nấu nước dùng. Nấu xương heo trong 2 tiếng, nêm nếm với đường, muối, bột ngọt. Trong quá trình nấu, bạn nên vớt bọt để nước dùng trong và ngon hơn.
- Bước 5: Xào bao tử
- Cho chảo lên bếp, cho dầu ăn và tỏi vào phi thơm rồi cho bao tử vào xào săn, đảo đều tay đến khi gia vị tan hết. Xào khoảng 15 phút thì bạn cho ½ tiêu xanh vào xào cùng đến khi bao tử săn lại thì tắt bếp.
- Bước 6: Hoàn thành
- Bạn cho phần bao tử xào tiêu xanh vào nồi nước dùng rồi hầm trong 20 phút. Tiếp đến, cho cà rốt củ cải trắng, củ sen và một nửa tiêu xanh còn lại vào hầm đến khi chín thì nêm nếm lần nữa và tắt bếp.
Lẩu vịt nấu chao
Tết mà không có lẩu vịt nấu chao thì thật thiếu xót, thưởng thức món vịt trong tiết trời se lạnh thì thật thích. Vị chao quyện cùng với miếng vịt được xử lý không còn tanh khiến món lẩu trở nên ngon hơn rất nhiều. Chắc chắn đây sẽ là một trong những món lẩu gây ấn tượng nhất trong những ngày Tết Nguyên Đán này đấy!
Nguyên liệu cần chuẩn bị món lẩu vịt nấu chao:
- ½ con vịt
- 2 viên chao trắng, 2 viên chao đỏ
- 200gr khoai môn
- Nước dừa một trái
- 2 cây sả củ
- 2 muỗng màu dầu điều
- Chanh
- Mắm, muối, tiêu, hành, tỏi, hạt nêm
- Rau muống, xà lách
- Bún tươi
Cách nấu món lẩu vịt nấu chao:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Gừng gọt vỏ rửa sạch rồi giã nhuyễn, trộn với rượu trắng.
- Thịt vịt sau khi làm sạch, bạn cần rửa qua với nước nhiều lần cho sạch rồi chặt khúc, chà hỗn hợp gừng hoặc chanh + rượu lên thịt rồi để nghỉ 20 phút mới rửa lại với nước sạch.
- Dừa chặt lấy nước để ra tô riêng.
- Rau nhặt, rửa sạch để ráo nước.
- Ứớp thịt vịt với công thức: chao dằm nát, hành tỏi giã nhuyễn, sả cắt khúc đập dập, thìa muối nhỏ, ½ thìa đường, 1 thìa hạt nêm, ½ thìa tiêu hạt. Trộn tất cả vào thịt vịt, để tầm 2-3 tiếng cho thịt vịt thấm đều gia vị.
- Khoai môn gọt vỏ, cắt cát vừa ăn rồi rửa sạch cho ra chất mủ.
- Bước 2: Chế biến
- Tiếp theo, để món vịt nấu chao ngon nhất, bạn hãy chiên khoai môn sơ qua với dầu trước tới khi vàng, giòn ngon hơn, không bị nát vụn khi bỏ vào lẩu nhé.
- Khử dầu, phi hành thơm rồi cho thịt đã ướp vào, cùng với 2 muỗng màu điều đảo đều tay trên lửa lớn. Khi nào thấy sôi thì hạ bớt lửa đun tiếp 20 phút, khi thấy miếng thịt săn lại là được.
- Sau đó, cho nước dừa vào ngang mặt thịt (nếu không có nước dừa bạn dùng nước cốt dừa và sữa tươi thay thế, cho thêm nước lọc vào nấu cùng), cho tiếp khoai môn đã chiên vào nấu tiếp đến khi chín rồi nêm nếm gia vị vừa ăn.
- Bước 3: Làm nước chấm thịt vịt
- Dằm nát 2 viên chao trắng, 1 thìa đường, 1 thìa nhỏ bột ngọt, nặn vài giọt chanh, thêm thìa sa tế khuấy đều, trộn tất cả vào nhau là xong.
Lẩu riêu cua bắp bò
Lẩu riêu cua bắp bò là món ăn khoái khẩu của nhiều người, rất phù hợp với dịp Tết cùng cả nhà thưởng thức. Ngay tại nhà, bạn cũng có thể tự nấu lẩu riêu cua vị chuẩn ngon. Để chống ngán ngày Tết, bạn có thể học cách làm lẩu riêu cua bắp bò sườn sụn ngon nhất để đãi cả nhà nhé.
Nguyên liệu nấu lẩu riêu cua bắp bò sườn sụn:
- Cua đồng: 1 kg
- Sườn sụn: 600 gr
- Bắp bò: 800 gr
- Bún tươi: 1 kg
- Đậu hũ: 10 miếng
- Cà chua: 5 – 7 quả
- 1 chút mẻ (ngoài ra bạn có thể thay thế bằng sấu, me hay quả dọc), gừng
- 1 ít mắm tôm
- Hành khô: 2 củ
- Hành lá, rau mùi
- Rau sống: rau muống chẻ, hoa chuối, thân chuối non, xà lách, mùi tàu, hành lá, tía tô, kinh giới, giá đỗ, chanh, ớt.
- Gia vị: Dầu ăn, giấm, nước mắm, bột canh, hạt nêm, sa tế.
Các bước thực hiện lẩu riêu cua bắp bò sườn sụn:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Hành khô: bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ. Gừng: cạo vỏ, rửa sạch, thái sợi mỏng. Hành lá, rau mùi: nhặt rồi rửa sạch, thái nhỏ
- Cà chua: rửa sạch, cắt cuống và bổ múi cau.
- Rau sống: nhặt bỏ phần bị hư, rửa sạch, ngâm qua với nước muối loãng rồi vớt ra để ráo. Lưu ý, với hoa chuối thì bạn thái nhỏ và ngâm trong nước pha giấm để hoa chuối không bị thâm, sau đó vớt ra rửa sạch rồi để ráo.
- Sườn sụn: sau khi mua về bạn rửa sạch, có thể rửa qua với nước muối để khử mùi hôi của thịt. Tiếp theo bạn trụng sơ phần sườn sụn trong nước sôi, bước này sẽ giúp nước lẩu của bạn trong hơn. Sau đó ướp phần sườn sụn này với chút gia vị rồi xào sơ qua với ½ muỗng hành khô rồi hầm trong khoảng 2 giờ đồng hồ. (Nếu nhà bạn có nồi áp suất thì chỉ cần hầm trong 10 phút là được).
- Cua đồng: Làm sạch, bóc phần mai, lấy gạch cua ra để riêng trong 1 bát nhỏ. Phần còn lại đem giã hoặc xay nhuyễn, lọc lấy nước. Lấy phần nước ấy cho vào nồi và đun trên bếp, nêm với 1 thìa gia vị + 1 ít mắm tôm, khuấy đều và đun với lửa to, đợi đến gạch cua nổi lên thì chuyển lại nhỏ lửa. Lưu ý: lúc này bạn không nên khuấy nữa vì sẽ dễ làm nát phần gạch cua hoặc bạn có thể gạt chúng vào phần cạnh nồi hoặc khi gạch cua chín hẳn thì bạn vớt chúng ra để riêng.
- Với chén gạch cua: bạn bắc chảo lên bếp, cho vào chút dầu ăn, khi dầu sôi thì cho một chút hành khô vào phi lên cho thơm. Cho phần gạch cua chừa lại vào xào với một ít nước mắm cho chín rồi vớt ra.
- Bạn có thể dùng tiếp phần chảo ấy để xào qua cà chua cho chín vừa tới. Công đoạn này sẽ giúp nước lẩu của bạn có màu đẹp mắt.
- Phần bắp bò: rửa sạch, bạn cũng rửa qua với nước muối để khử mùi tanh, sau đó xả thật sạch, thái miếng mỏng vừa ăn và ướp với gừng và một chút xíu dầu ăn.
- Đậu hũ: mỗi miếng thái làm 4, chiên sơ qua cho đến khi có màu vàng thì vớt ra.
- Mẻ lọc lấy nước, để ra chén riêng.
- Bước 2: Chế biến
- Cho nước cua và nước ninh phần sườn sụn, thịt sườn, cà chua vào. Tiếp theo cho phần nước mẻ, nêm nếm lại gia vị, rồi cho phần riêu cua vào, rưới gạch cua lên + 1 nhúm hoa chuối + dầu hành + rau mùi + đậu hũ đã chiên + 1 chút sa tế (nếu bạn thích ăn cay).
- Bước 3: Trình bày
- Dọn kèm cùng với bún tươi, rau sống và thịt bò, thưởng thức đến đâu thì cho nguyên liệu vào đến đấy. Vậy là bạn hoàn tất món lẩu.
Để lại một bình luận