Thịt gà nấu gì ngon? Với gà bạn có thể chế biến thành vô vàn món ngon như gà kho, gà chiên, gà nướng và đặc biệt là lẩu gà. Mỗi ngày Lẩu Sĩ Phú hy vọng sẽ giới thiệu đến bạn thật nhiều món ăn ngon, và trong bài viết hôm nay Lẩu Sĩ Phú xin giới thiệu đến bạn Công thức nấu lẩu gà thơm ngon, bổ dưỡng tại nhà.
Lẩu gà nấm
Lẩu gà nấm là món ăn ngon và được nhiều thực khách yêu thích bởi hương vị hấp dẫn và cách thực hiện đơn giản. Cùng vào bếp với Lẩu Sĩ Phú và thử ngay ách nấu lẩu gà nấm ngon cả nhà đều mê nhé!
Nguyên liệu: Cho 4 người
- Gà ta 1 con (khoảng từ 1.5 – 2 kg)
- Xương ống 500 gram
- Nấm linh chi 200 gram
- Nấm đông cô tươi 200 gram
- Nấm rơm 200 gram
- Nấm bào ngư 200 gram
- Nấm đùi gà 200 gram
- Rau xà lách xoong 200 gr
- Mì trứng 300 gram
- Gia vị: dầu ăn, đường, hạt nêm, bột ngọt, nước mắm, muối, hành tím, tỏi băm, ớt
- Dụng cụ: Bếp gas, nồi, chén bát, đũa, vá,…
Cách làm:
- Sơ chế nguyên liệu: Gà sau rửa sạch, dùng muối chà xát trong và ngoài con gà để khử mùi hôi của thịt, sau đó rửa lại bằng nước sạch, để ráo. Chia gà thành 4 phần rồi dùng tiếp dao nhỏ, mũi nhọn, kéo cắt bỏ những phần xương và để riêng ra 1 góc. Xương ống đem rửa sạch rồi chần sơ qua với nước sôi. Củ cải trắng gọt vỏ ngoài, rửa sạch và cắt thành những miếng vừa ăn. Xà lách xoong và các loại nấm rửa sạch, đem ngâm trong nước muối khoảng 15 – 20 phút. Sau đó, rửa sạch, để ráo nước rồi cắt thành những miếng vừa ăn.
- Ướp thịt gà nấu lẩu: Bạn cắt phần da và chặt thịt gà thành các miếng vừa ăn. Sau đó, ướp thịt gà với ½ muỗng bột ngọt, ½ muỗng hạt nêm, 1 muỗng tỏi băm và ½ muỗng tiêu xay khoảng 20 – 30 phút cho thịt gà thấm gia vị.
- Nấu nước dùng lẩu gà: Bắc nồi lên bếp và cho vào khoảng 2 lít nước, cho tiếp phần xương ống và xương gà mà bạn rút ra ban nãy và ninh trong khoảng 3 tiếng. Sau đó, bạn cho vào 1 muỗng muối,1 muỗng canh giấm gạo cùng củ cải vào rồi để lửa liu riu và chờ cho nước sôi là được.
- Thành phẩm: Khi nước dùng gà vừa sôi thì bạn nêm nếm lại cho vừa ăn rồi cho nấm rơm, tiếp theo là thịt gà, các loại nấm còn lại và xà lách xoong vào. Lẩu gà nấm ăn kèm mì trứng hoặc bún hoặc miến dong đều ngon và hợp vị.
Lẩu gà ngải cứu
Món lẩu gà ngải cứu có giá trị dinh dưỡng rất cao, đặc biệt thích hợp với những ngày có tiết trời nóng bức và cả se lạnh. Vị ngọt của thịt gà cùng mùi hương đặc trưng của ngải cứu cùng một số vị thuốc Bắc tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng của món lẩu này. Chỉ cần chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu và thực hiện theo đúng 6 bước dưới đây, chắc chắn bạn sẽ thu được thành phẩm là món thơm ngon, bổ dưỡng vào dịp cuối tuần dành cho cả nhà.
Nguyên liệu:
- 1 con gà (nặng khoảng 1.5kg)
- 2 bó ngải cứu
- 4 miếng đậu phụ
- 5 quả trứng vịt lộn
- 1 gói thuốc Bắc
- Các loại nấm: nấm hương, nấm kim châm, nấm đùi gà
- Các loại gia vị cần thiết: gừng tươi, hành, muối, mắm, hạt nêm, đường, bột ngọt
- Các loại rau ăn kèm: rau muống, cải thảo, cải ngọt, mồng tơi…
Cách làm:
- Bước 1: Đầu tiên, bạn chà xát muối lên bề mặt của thịt gà để khử mùi tanh. Sau đó, bạn chặt gà thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Bạn ướp thịt gà bằng hành khô băm nhỏ, sả đập dập, 2 thìa hạt nêm, 1 thìa bột ngọt, trộn đều để thịt gà ngấm đều gia vị và để yên trong vòng khoảng 30 phút.
- Bước 2: Tiếp theo, bạn bóp lòng gà cùng với muối và rửa lại nhiều lần với nước. Sau đó, bạn thái lòng gà thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Tiếp đó, bạn cắt bỏ phần gốc nấm, rửa sạch và để cho ráo nước nhằm ăn kèm cùng lẩu gà thuốc Bắc ngải cứu.
- Bước 3: Sau đó, bạn cắt đậu phụ thành từng miếng nhỏ vừa ăn và chiên vàng đều các mặt, cho ra đĩa có sẵn giấy thấm dầu. Nếu không có thời gian chuẩn bị, bạn cũng có thể mua đậu phụ đã chiên sẵn ở chợ.
- Bước 4: Tiếp theo, bạn nhặt sạch ngải cứu và các loại rau ăn cùng, rửa bằng nước muối pha loãng, để trên rổ cho thật ráo nước.
- Bước 5: Tiến hành nấu nước dùng lẩu gà ngải cứu, bạn cho thịt gà và lòng gà vào nồi cùng 1.5 lít nước bắc lên bếp đun sôi. Khi nước sôi, bạn cho các vị thuốc Bắc vào nấu cùng. Lưu ý, trong quá trình đun sôi, bạn nên hạ nhỏ lửa, đun khoảng 20 phút. Sau đó, bạn nêm nếm gia vị cho vừa ăn hơn. Tiếp theo, bạn đập trứng vịt lộn vào nồi nước đang sôi, đun thêm một lúc nữa.
- Bước 6: Cuối cùng, bạn cho nước lẩu vào nồi nhỏ hơn, bắc lên bếp ga mini đặt giữa bàn. Đến khi nước sôi, bạn cho thêm đậu phụ, các loại nấm vào nấu chín. Rồi nhúng các loại rau ăn kèm và ngải cứu vào nồi là bạn đã có thể thưởng thức món lẩu gà thuốc Bắc ngải cứu nóng hổi, thơm ngon, bổ dưỡng.
Lẩu gà thuốc bắc
Vừa được ăn lẩu thoả thích vừa đảm bảo tốt cho sức khoẻ thì còn gì bằng. Bạn có thể tham khảo công thức nấu lẩu gà thuốc bắc sau đây, để có thể chế biến được nước dùng mang hương thơm thoang thoảng từ các vị thuốc và từ từ thưởng thức phần thịt gà non mềm.
Nguyên liệu: Cho 4 người
- Gà 1.3 kg
- Nguyên liệu thuốc bắc 1 gói (100gr)
- Cà rốt 1 củ
- Nấm kim châm 300 gr
- Nấm hương khô 200 gr
- Ngò rí 5 gr
- Hành lá 5 gr
- Gừng 5 gr
- Sen 1 củ
- Chanh 1 trái
- Nước dừa 1 lít
Dụng cụ thực hiện: Nồi lẩu điện, nồi, tô,…
Cách làm:
- Sơ chế nguyên liệu: Gà rửa sạch và chặt thành khúc vừa ăn, đoạn tầm 2 – 3cm. Đổ 500ml nước vào thau cùng với 1 muỗng cà phê muối và nửa quả chanh vắt lấy nước. Sau đó tiến hành gọt vỏ, thái củ sen thành từng lát mỏng tầm 0.5 – 1cm, ngâm trong nước muối và chanh. Nấm hương khô bạn đem ngâm nước tầm 2 – 3 tiếng cho nở mềm và cắt bỏ chân nấm. Sau đó ngâm hoặc trụng nước sôi khoảng 2 – 3 phút rồi vớt ra để ráo. Nấm kim châm rửa sạch, cắt bỏ gốc. Gừng thái lát mỏng, cà rốt cắt khoanh mỏng tầm 0.5 – 1cm. Đầu hành lá đập dập và băm nhuyễn.
- Ướp thịt gà: Cho gà đã chặt vào tô, ướp các nguyên liệu bao gồm: nửa muỗng canh muối, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh hạt nêm, đầu hành băm nhuyễn và trộn đều gia vị ướp trong 15 phút để gà thấm gia vị.
- Nấu lẩu: Bắc nồi lên bếp, cho vào 1 lít nước dừa, 3 lít nước lọc, phần gà đã ướp, củ sen, 1 gói nguyên liệu thuốc bắc, đậy nắp và đun sôi trên lửa lớn nấu trong 15 phút. Khi nước sôi bạn hạ lửa vừa, cho gừng đã thái lát vào và hầm 30 phút, sau đó bạn cho nấm hương đã ngâm nở mềm vào nồi lẩu nấu thêm 5 phút rồi cho cà rốt, 1.5 muỗng canh đường, 2 muỗng canh nước mắm, nửa muỗng cà phê bột ngọt vào nấu thêm 10 phút thì tắt bếp.
- Thành phẩm: Bạn có thể đặt nồi lẩu lên nồi lẩu điện, chỉnh nhiệt nhỏ và thưởng thức, khi ăn cảm nhận được thịt gà mềm ngọt, hương vị thuốc bắc thơm ngon và dinh dưỡng. Bạn có thể ăn kèm với bún, mì và các loại rau mình thích. Món ăn này sẽ khiến bạn không thể ngừng ăn đấy!
Lẩu gà lá giang
Trong kho tàng ẩm thực Việt Nam nói chung và miền Tây Nam Bộ nói riêng thì các món ăn với các nguyên liệu quen thuộc với các loại rau tạo ra các món ăn vô cùng tuyệt diệu. Trong đó, lẩu gà lá giang kết hợp vị ngọt thanh của thịt gà, vị chua chua của lá giang ăn kèm với bún và các loại rau tươi là món ăn cực kỳ thích hợp dành cho những ngày trời se se lạnh hoặc ngay cả những trưa mát mẻ.
Lẩu gà lá giang không chỉ là món ăn khoái khẩu của nhiều người mà còn có tác dụng tốt đối với sức khoẻ. Theo y học cổ truyền, lá giang tính mát, giúp thanh nhiệt, tiêu viêm và giảm đau hiệu quả. Kết hợp với thịt gà tạo ra món lẩu không gây đầy bụng mà còn giảm nguy cơ đau nhức các khớp. Món ăn này là một gợi ý hợp lý cho thực đơn hằng ngày vì vừa chế biến đơn giản mà nguyên liệu cũng dễ dàng tìm mua tại chợ hoặc siêu thị. Tham khảo công thức dưới và trổ tài thực hiện ngay thôi nào.
Nguyên liệu:
- Gà mái tơ: 1 con khoảng 1,5 kg
- Lá giang: 300 gr
- Sả: 2 củ
- Ớt sừng: 1 quả
- Mùi tàu (ngò gai): 5 lá
- Gia vị: Muối, tiêu, đường, nước mắm ngon, bột ngọt
- Hành phi + Mỡ tỏi + Bún
- Rau ăn lẩu: rau muống chẻ, rau rút, kèo nào, giá đỗ, chuối bào
Cách làm:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: Thịt gà: chà muối xung quanh con gà để khử mùi tanh. Sau đó, rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Ướp muối, tiêu, bột ngọt trong 15 phút (ướp theo tỉ lệ: 1/2 thìa cà phê hạt tiêu + 1 thìa cà phê nước mắm + 1 thìa cà phê muối). Lá giang: bỏ hết dây và các lá sâu, rửa sạch rồi để ráo, vò nhẹ lá để tăng vị chua. Rau ngò gai: nhặt kỹ, rửa sạch rồi thái nhỏ. Tỏi: bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ. Ớt sừng: rửa sạch rồi thái nhỏ. Các loại rau khác: rửa sạch và cắt thành đoạn vừa ăn.
- Bước 2: Hướng dẫn nấu lẩu gà lá giang: Bắc nồi lên bếp và tráng với một chút dầu rồi cho sả vào phi, đến khi sả vàng thì cho tiếp tỏi vào. Khi bạn thấy sả và tỏi vàng thơm thì bỏ thịt gà vào xào. Khi thịt gà săn lại thì cho vào khoảng 2 lít nước. Đến nồi nước sôi thì vớt bọt vặn lửa nhỏ lại để liu riu rồi nêm gia vị cho vừa ăn. Khi thịt gà mềm thì bỏ lá giang vào, cho thêm chút ớt, tỏi phi và sa tế.
- Bước 3: Trình bày: Dọn lẩu gà lá giang ra ăn kèm với bún, rau và dùng kèm nước mắm có thêm vài lát ớt.
Lẩu gà măng chua
Những ngày trời mưa se lạnh mà có ngay một nồi lẩu nóng hổi quây quần cùng với gia đình thì tuyệt vời biết mấy. Để đổi vị thì hôm nay hãy thử ngay món lẩu gà măng chua thơm ngon hấp dẫn mà Lẩu Sĩ Phú sắp giới thiệu sau đây nhé! Vào bếp trổ tài ngay nào!
Nguyên liệu: Cho 4 người
- Gà 1 con (làm sẵn)
- Măng tươi 200 gr
- Nấm rơm 200 gr
- Cà chua 3 quả
- Hành tây 1 củ
- Rau ngò ôm 100 gr
- Hành 3 củ (băm nhuyễn)
- Tỏi 2 củ (băm nhuyễn)
- Sả 4 cây
- Ớt bột 2 muỗng canh
- Ngũ vị hương 1 muỗng cà phê
- Dầu ăn 3 muỗng canh
- Bột màu đỏ thực phẩm 1 muỗng cà phê (hoặc màu dầu điều)
- Giấm 1 ít
- Gia vị thông dụng 1 ít (muối/đường/hạt nêm)
Cách làm:
- Sơ chế và ướp thịt gà: Để cho tiết kiệm thời gian bạn nên mua thịt gà làm sẵn ngoài chợ hoặc siêu thị. Với thịt gà làm sẵn, đầu tiên, bạn dùng giấm hòa với muối rồi thoa đều lên mình gà hoặc có thể ngâm gà vào hỗn hợp đó khoảng 3 – 5 phút. Sau đó rửa lại với nước sạch nhiều lần, rồi chặt gà ra thành miếng vừa ăn. Tiếp đó, ta cho thịt gà đã chặt ra một cái thau hoặc nồi lớn để ướp. Cho 1 nửa hành tỏi băm nhuyễn vào thau, kế đó thêm 1 muỗng canh ớt bột, 1 muỗng cà phê bột màu đỏ thực phẩm (hoặc màu dầu điều), 1 muỗng cà phê ngũ vị hương, 1/2 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê hạt nêm. Sau đó, ta dùng đũa đảo đều thịt gà cho ngấm đều gia vị và để ướp trong vòng 15 phút.
- Sơ chế các nguyên liệu khác: Cà chua mua về ta đem rửa sạch và cắt làm tư. Hành tỏi lột vỏ băm nhuyễn. Hành tây bóc vỏ cắt dọc thành những lát mỏng. Với sả ta sẽ đem lột bỏ lớp vỏ già bên ngoài, cắt bỏ phần ngọn xanh rồi dùng dao đập dập. Nấm rơm mua về bạn dùng dao cắt bỏ phần gốc nấm (thường hay bị dính đất), rồi đem ngâm với muối khoảng 10 phút rồi rửa sạch lại với nước và cắt nấm làm đôi. Rau ngò ôm mua về bạn nhặt sạch, ngắt thành những miếng nhỏ, rồi đem đi rửa sạch với nước. Măng tươi mới mua về, ta bóc bỏ bẹ, ngâm muối trong 30 phút rồi đem luộc với nước sôi 2 – 3 lần và mỗi lần luộc phải xả lại bằng nước sạch rồi cắt ra thành những lát mỏng.
- Xào thịt gà: Tiếp đó, bạn bắc một cái chảo lên bếp cho 2 muỗng canh dầu ăn vào đun nóng, rồi cho thịt gà đã ướp, 4 cây sả đập dập, phần hành tỏi băm nhuyễn còn lại, 1 củ hành tây, 2 quả cà chua đã cắt vào xào sơ cho thịt gà săn lại, trong 5 phút ở lửa vừa rồi tắt bếp. Ta dùng một cái nồi khác cho 1 muỗng canh dầu ăn vào đun nóng cho 1 muỗng canh bột ớt vào rồi thêm phần thịt gà đã xào săn vào rồi đảo đều với lửa vừa trong vòng 2 phút.
- Nấu lẩu gà với măng chua, nấm, cà chua: Kế tiếp, ta đổ nước vào nồi sao cho ngập thịt gà và đậy nắp lại, đun cho gà mềm ra trong khoảng 10 phút. Sau đó, ta sẽ tiến hành cho 200gr nấm rơm, 1 quả cà chua, 200gr măng chua vào, bỏ khoảng 100gr rau ngò ôm lên trên và đun sôi trong khoảng 10 phút nữa là hoàn thành.
- Thành phẩm: Nồi lẩu gà măng chua nóng hổi dậy mùi thơm nức, nước lẩu đậm đà có vị cay cay xen vào đó vị chua chua của măng vô cùng đậm vị. Măng và nấm rơm ăn giòn giòn, thịt gà mềm thơm, ngọt thịt, món lẩu này mà ăn kèm với bún và nước mắm ớt thì phải nói là ngon hết sảy.
Lẩu gà hầm sả
Lẩu gà hầm với nước dùng đậm đà hương vị thanh ngọt tự nhiên của thịt gà, thơm nồng mùi vị sả đặc trưng xen lẫn vị cay cay của ớt. Với món lẩu này bạn hoàn toàn có thể dùng kèm với bún hoặc mì gói, trụng thêm thật nhiều rau sống và thưởng thức thật ngon nhé!
Nguyên liệu: Cho 4 người
- Đùi gà 300 gr (khoảng 4 cái)
- Nấm rơm 100 gr
- Củ cải trắng 200 gr
- Sả cây 100 gr
- Ớt sa tế 1 muỗng canh
- Nước nghệ tươi 1 muỗng canh
- Rượu trắng 100 ml (có thể thay bằng giấm hoặc nước cốt chanh)
- Hành tím 1 củ
- Gừng 1 củ
- Rau ăn kèm lẩu 100 gr (mồng tơi/mướp…)
- Bún tươi 100 gr (ăn kèm)
Cách làm:
- Sơ chế thịt gà: Bạn cho vào thịt gà khoảng 2 muỗng cà phê muối, 100 ml rượu trắng. Sau đó dùng tay bóp để thịt gà được sạch, săn lại và da gà không hôi. Tiếp theo bạn rửa sạch lại với nước và để ráo. Tiếp đến bạn chặt thịt gà thành những miếng vừa ăn và ướp với gia vị gồm 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng canh nước nghệ tươi, 1 muỗng canh ớt sa tế. Ướp thịt gà trong khoảng 15 phút để thịt gà ngấm gia vị.
- Sơ chế các nguyên liệu khác: Củ cải trắng chúng ta cắt ra thành từng khúc, sả cắt khúc và đập dập. Nấm rơm bạn gọt bỏ rễ chân nấm, rồi ngâm nước muối pha loãng khoảng 3 – 5 phút để khử khuẩn trong nấm. Sau đó đảo lại với nước sạch. Tiếp đến bạn cho nấm rơm vào nồi xào sơ qua với một ít dầu ăn rồi để riêng. Rau mồng tơi rửa sạch để ráo, mướp gọt vỏ rửa sạch cắt thành miếng vừa ăn.
- Nấu nước dùng: Bạn chuẩn bị 1 cái nồi cỡ vừa, cho dầu ăn vào đợi cho dầu nóng. Sau đó bạn cho vào nồi 1 củ hành tím cắt lát, 1 củ gừng thái sợi và sả cây đập dập vào xào cho đến khi dậy mùi thơm. Tiếp theo cho gà vào nồi và thêm 1,5 lít nước, sau đó bạn cho tiếp nấm rơm và củ cải trắng vào. Nấu cho đến khi nước dùng sôi thì hạ lửa nhỏ lại và tiếp tục nấu khoảng 20 phút để thịt gà được mềm. Sau 20 phút hầm gà thì bạn tắt bếp, nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi cho rau ăn kèm vào.
- Thành phẩm: Món gà hầm sả đã thực hiện xong với vị thơm lừng của món ăn và vị ngọt ngon của nước dùng chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng. Món lẩu này bạn có thể ăn kèm với bún hoặc mì gói đều rất ngon.
Lẩu cháo gà
Một loại lẩu có thể nhắc đến là lẩu cháo gà, hạt cháo bung đều ăn kèm với thịt gà được nấu chín mềm. Tuỳ theo sở thích bạn hoàn toàn có thể nấu thành các loại lẩu cháo khác nhau như: lẩu cháo đậu xanh bùi bùi, lẩu cháo nấm đông cô thanh ngọt hay lẩu cháo gạo rang đậm đà. Tất cả khi kết hợp với gà đều tạo nên vị ngon cuốn hút! Lẩu cháo gà là món ăn ngon bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. … Lẩu cháo gà ngon không phải ai cũng biết cách nấu, mùa nóng cũng như mùa lạnh ăn đều ngon các bạn nhé. Sau đây Lẩu Sĩ Phú sẽ hướng dẫn các bạn cách làm nhé.
Nguyên liệu:
- Gạo nếp nương xay
- Đỗ tương xay
- Nước cốt dừa
- Thảo quả, hạt ý dĩ, hải sâm
- Rau, củ quả ăn kèm
- Gà
Cách làm:
- Gà lọc lấy xương đem ninh, thịt gà xắt miếng để ăn với lẩu.
- Gạo vo sạch rồi đem nấu thành cháo với nước xương gà, nước đỗ tương và nêm nước cốt dừa. Thảo quả, ý dĩ, hải sâm cho vào hầm cùng với cháo.
- Nấm Đông cô rửa sạch cho vào cháo khi gần bắc nồi xuống.
- Mách nhỏ: Đối với lẩu cháo, bạn nên dùng nhiều loại củ quả hơn là các loại rau như lẩu bình thường, thêm nấm đông cô và nấm rơm.
Để lại một bình luận